WELLCOME TO MY BLOG

Cho Em-LUCKY BOY & Dung KINDLY

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010

Tại sao Anh, Mỹ làm ngơ trước việc phát xít Đức diệt chủng người Do Thái


Tháng 1/2005, trong các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày quân đội Liên Xô giải phóng trại tập trung Auschwitz, báo chí nhiều nước đã nhắc lại một sự thật khó hiểu trong Đại chiến thế giới II là chính phủ các nước Đồng minh phương Tây đã làm ngơ trước việc phát xít Đức giết hại hàng triệu người Do Thái trong các trại tập trung ở Đông và Nam Âu.

Thái độ khó hiểu đó là một trong những cái gọi là “bí ẩn của Đại chiến II” hiện đã được đưa ra ánh sáng.

Trước đây, chính quyền các nước phương Tây và một số nhà sử học cho rằng, phương Tây không biết gì về kế hoạch của phát xít Đức và do đó không ngăn chặn được. Ngược lại, một số nhà sử học cho rằng, các nước phương Tây đã biết ý định của phát xít Đức nhưng vì những lý do nào đó, họ đã làm như không biết gì cả. Cuốn sách “Tập bản đồ xung đột Arập – Israel” của Martin Gilbert in năm 1974 cho biết: “Sau khi Hitler lên cầm quyền ở Đức (năm 1933), hàng trăm nghìn người Do Thái đã di cư về xứ Palestine hồi ấy do Anh ủy trị, nơi đã có nhiều người Arập và Do Thái cùng chung sống từ mấy nghìn năm nay. Họ mua đất của người Arập với giá cao để định cư. Dòng người Do Thái đổ về Palestine ngày một tăng làm người Arập tức giận, tấn công khủng bố người Do Thái. Chính quyền Anh đã hạn chế lượng người Do Thái di cư về đây. Năm 1939, Chính phủ Đức cho phép 250.000 người Do Thái sống ở Đức được di cư ra nước ngoài nhưng chính quyền Mỹ đã hạn chế số người Do Thái nhập cư vào Mỹ. Năm 1940, Quốc hội Mỹ bác bỏ dự luật mở cửa bang Alaska cho người Do Thái lánh nạn. Năm 1941, Mỹ thắt chặt hạn ngạch nhập cư người Do Thái; năm 1943, Mỹ lại từ chối lời đề nghị của Thuỵ Điển tiếp nhận 20.000 trẻ em Do Thái ở Đức di cư sang Mỹ. Người Do Thái sống ở Ba Lan có 3 triệu người thì bị phát xít Đức giết hại 2,6 triệu; Liên Xô (vùng Đức chiếm) có 2,5 triệu thì bị giết 750.000 người; Rumani có 1 triệu thì bị giết 750.000; Hunggari có 710.000 người thì bị giết 402.000 người…


Ngày 26/6/2000, Viện Hồ sơ quốc gia Mỹ công khai 400.000 trang hồ sơ tuyệt mật của Cơ quan Tình báo Mỹ. Dư luận vô cùng kinh ngạc khi biết các nước Anh, Mỹ không những nắm được các thông tin về kế hoạch diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức mà còn biết rất rõ mọi chi tiết của kế hoạch này.

Mùa hè năm 1943, quân đội Anh liên tục bắt và giải mã được một số bức điện của Sở chỉ huy quân đội Đức tại Roma, Italia gửi về Bộ chỉ huy tối cao ở Berlin. Nội dung các bức điện tuyệt mật này cho thấy, trong thời kỳ đầu chiến tranh, do trùm phát xít Italia là Mussolini không tuân theo chủ trương của Hitler về vấn đề người Do Thái nên người Do Thái ở Italia không bị xua đuổi, giết hại. Tháng 7/1943, Mussolini bị lật đổ, quân Đức chiếm miền Bắc Italia, Hitler ra lệnh cho lực lượng SS của Đức phải bắt giam toàn bộ người Do Thái ở Italia đưa về các trại tập trung ở Đông và Nam Âu rồi “tiêu diệt về thể xác”. Các bức điện này có nội dụng như sau: “Từ ngày 6/10 tiến hành đăng ký danh sách tất cả 8.000 người Do Thái ở Roma, trong 10 ngày phải xong”. Ngày 11/10, Berlin trắng trợn ra lệnh phải lập tức tiêu diệt sạch người Do Thái sống trên đất Italia vì nếu làm chậm thì sẽ có nhiều người Do Thái ẩn náu vào các gia đình người Italia. Ngày 16/10, một bức điện từ Roma báo cáo: đã hoàn thành việc bắt giữ người Do Thái ở Italia, đưa về trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan.



Sau này, người ta mới biết là sau khi chiến tranh chấm dứt, toàn bộ thành phố Roma chỉ còn lại vài trăm người Do Thái thoát chết, trong số 120.000 người Do Thái ở Italia có 90.000 người đã bị phát xít Đức giết hại. Rõ ràng, Hitler đã tiến hành một cuộc diệt chủng người Do Thái có kế hoạch mà không vấp phải sự phản đối công khai từ chính phủ Đồng minh nào.


Các bức điện được tình báo Anh giải mã đều lập tức chuyển đến lãnh đạo cao cấp của hai nước Anh và Mỹ. Thế nhưng, cho tới nay, các nhà sử học vẫn chưa khẳng định Thủ tướng Anh Churchill và tổng thống Mỹ Roosevelt đã đích thân đọc bức điện đó hay chưa; song chắc chắn là các nhà lãnh đạo cao cấp khác của hai nước này không thể không biết các bức điện đó. Đồng thời, nước Anh còn có thông tin quan trọng nữa lấy từ các điệp viên Anh cài trong các cơ quan của Đức. Một điệp viên Anh là cán bộ ngoại giao Đức đã lợi dụng các chuyến đi công tác tại Thuỵ Sĩ (nước trung lập) để gặp kín Dulles, trùm tình báo Mỹ thông báo các tin quan trọng.

Các hồ sơ tuyệt mật gần đây được chính quyền Mỹ công khai trước dư luận cho thấy Dulles đã được điệp viên kể trên thông báo về kế hoạch của phát xít Đức dự định trong năm 1943 sẽ tiêu diệt hết người Do Thái ở Italia. Trên thực tế, ngay từ đầu năm 1943, chính phủ Anh, Mỹ đã biết sự thật trong trại tập trung Auschwitz nhưng không hiểu sao họ vẫn im lặng.

Sau khi Đại chiến II chấm dứt, các nhà sử học do hâm mộ và kính trọng sâu sắc Churchill và Roosevelt nên không tin (hoặc không muốn tin) rằng hai lãnh tụ này đã biết kế hoạch diệt chủng của Hitler. Chẳng hạn trong cuốn “Auschwitz và các nước đồng minh” xuất bản năm 1981, nhà sử học người Anh Martin Gilbert viết: “Đến mùa hề năm 1944, Churchill và Roosevelt mới biết nhiều về việc phát xít Đức tàn sát hàng loạt người Do Thái”.

Các hồ sơ tuyệt mật mới công bố gần đây đã đập tan luận điệu trên. Nhiều nhà sử học và chính khách đều bày tỏ sự tức giận và kinh ngạc đối với Chính phủ Anh, Mỹ bao năm nay che giấu một sự thật lịch sử quan trọng đó. Và đó cũng là căn nguyên cho sự dung túng, bao che cho bọn tội phạm chiến tranh Quốc xã?



Dư luận thắc mắc về việc Toà án Nuremberg không xử tử tướng SS Đức Karx Wolf - kẻ đã dồn hàng chục nghìn người Do Thái ở Italia vào các trại tập trung để dùng hơi ngạt giết chết, thế mà năm 1949, hắn lại được trả tự do, sống an nhàn ở Muchen cho tới năm 1962 mới vào tù vì bị tố cáo có liên quan đến cái chết của 300.000 người Do Thái trong trại tập trung Treblinka ở Ba Lan; sau đó hắn bị một toà án ở Tây Đức xử 15 năm tù. Các hồ sơ mới công bố gần đây cho thấy, sở dĩ Wolf không bị trừng trị thích đáng là do hắn có “quan hệ đặc biệt” với Dulles, trùm tình báo Mỹ và do hắn là kẻ đã “có công” thu xếp cho quân Đức đóng ở Italia đầu hàng Đồng minh.

Trước sự thật nói trên, các nhà sử học cho rằng, nên viết lại lịch sử đoạn nói về “các nhà lãnh đạo Đồng minh không biết gì về vụ diệt chủng lớn trong Đại chiến II”. Một số nhà sử học cấp tiến cho rằng, Churchill và Roosevelt phải chịu trách nhiệm về đạo đức đối với người Do Thái bị phát xít Đức tàn sát. Một chuyên gia của Viện Hồ sơ quốc gia Mỹ nói: “Nếu ngày ấy, chỉ cần Churchill hoặc Roosevelt ra một tuyên bố công khai thì có thể cứu sống hàng chục nghìn người Do Thái ở Italia hoặc ít nhất cũng nhắc nhở người Do Thái ở đây hãy cảnh giác, trốn khỏi tay bọn phát xít Đức. Thế nhưng, hai vị lãnh đạo nổi tiếng này đã chọn cách im lặng. Họ làm thế để không gây phương hại đến hoạt động giải mã của tình báo Anh, Mỹ (tránh để Đức biết Đồng minh đã nắm được mật mã của Đức).

Hồ sơ mật mới công khai còn cho biết, Thủ tướng Anh Churchill thoạt đầu có ý định tốt. Ông từng trao đổi với Ngoại trưởng Anh Anthony Eden xem có nên ra một tuyên bố lên án hành động diệt chủng của phát xít Đức hay không, nhưng Eden kịch liệt phản đối với lý do có ra tuyên bố thì cũng chẳng ngăn chặn được Hitler và cũng không có lợi cho việc chiến thắng phát xít Đức. Churchill nghe theo Eden. Đây là một sai lầm của Thủ tướng Anh.

Việc Chính phủ Anh và Mỹ chậm công bố các hồ sơ mật của Thế chiến II đã bị các nhà sử học phê phán. Mọi người đều biết, với lý do “an ninh quốc gia”, hai nước này đã trì hoãn mãi việc công bố các tài liệu tình báo bí mật nói trên. Dư luận ngờ rằng, họ làm thế là để bảo vệ hình ảnh các nhà lãnh đạo hai nước này và để trốn tránh trách nhiệm đối với tội ác diệt chủng của phát xít Đức.

Không có nhận xét nào: